Dịch giả Dương Tường xin lỗi độc giả

Dịch giả Dương Tường xin lỗi độc giả

TT – Lại tiếp tục có tranh cãi xung quanh bản dịch Lolita của dịch giả Dương Tường khi cộng đồng mạng đang bàn tán về phát hiện ông đã không tự mình làm các chú giải cho Lolita như chính ông từng trả lời báo chí.

Ảnh

Ðã có người chỉ ra xuất xứ các chú giải này là từ một quyển sách của Mỹ, xuất bản từ năm 1970, đó là quyển The annotated Lolita của Alfred Appel, Jr.

Tuổi Trẻ vừa đặt vấn đề này lên bàn ông, và ông – dịch giả U-90, đã thẳng thắn trả lời với tinh thần của một người nghiêm túc chịu trách nhiệm trước những điểm sai, kể cả khi sai ngay với quan niệm sống của chính ông.

* Như ông từng cho biết trên báo, việc tìm đến quyển The annotated Lolita được hiểu là sự cần thiết trong quá trình chú giải bản dịch Lolita. Và bây giờ điểm lại, ông có thể cho biết tỉ lệ chính thức những chú thích của Lolita mà ông dịch từ cuốn The annotated Lolita là khoảng bao nhiêu phần trăm trong số gần 500 cái chú thích cho cả bản dịch quyển sách?

– Tôi phải nhấn mạnh tôi không dịch, mà chỉ dựa vào những chú giải trong cuốn The annotated Lolita như một trong nhiều nguồn tham khảo để làm chú thích của mình. Nói tỉ lệ thật chính xác thì hơi khó, nhưng ước chừng trên dưới một phần ba.

* Ông từng phát biểu trên báo bốn chữ rất quan trọng: “Thành thực khó lắm”. Và khoảng thời gian mấy tháng tính từ sau khi ông dịch xong Lolita đến lúc trả lời các báo, có điều gì thay đổi trong ông, khiến ông không nhân đấy thừa nhận việc tìm dịch các chú thích của Lolita từ quyển The annotated Lolita?

– Tôi xin được nhắc lại: tôi không dịch những chú giải của Alfred Appel, Jr, mà chỉ dựa vào đó để làm chú thích của mình. Vâng, tôi đã nói: “Thành thực khó lắm”. Ðúng vậy, và vì “khó lắm” nên với trách nhiệm của người dịch có lương tâm, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải chú thích thật kỹ đến mức cao nhất có thể dù có tốn công sức đến đâu chăng nữa để giúp người đọc cảm nhận được cái hay, cái giỏi của tác giả. Xin mở ngoặc: không ai bắt tôi phải làm thế, nhất là khi nhuận bút chẳng được bao nhiêu: hai năm trời miệt mài với Lolita, tôi lĩnh trọn 23 triệu đồng. Và để làm nhiệm vụ ấy, tôi đã tham khảo tất cả những nguồn có thể kiếm được: các loại từ điển, thư từ và các bài phỏng vấn Nabokov có liên quan đến Lolita, Google.

Chính trong khi tìm trên Google, tôi mới biết có cuốn The annotated Lolita. Tôi bèn viết thư nhờ dịch giả Nguyệt Cầm ở bên Mỹ kiếm hộ một cuốn. Khi nhận được cuốn này, tôi đã dịch được hai phần ba Lolita. Phải nói là có được “bảo bối” này, một phần ba công việc còn lại của tôi nhẹ hẳn. Sau khi dịch xong Lolita, tôi lại lao ngay vào Ði tìm thời gian đã mất của M. Proust, một tác phẩm cũng khó không kém gì Lolita, nên không còn thì giờ quay lại với những gì tưởng đã dứt điểm. Việc dịch Proust, đối với tôi, như một món nợ canh cánh bên lòng, bởi quỹ thời gian của bản thân tôi chẳng còn được bao nhiêu.

* Dù muốn dù không, khi thông tin về việc dịch giả Dương Tường “đạo chú thích” đang được công chúng quan tâm, người ta sẽ nghĩ về giải dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội dành cho bản tiếng Việt Lolita – công trình công phu của ông. Hiện giờ ông có nghĩ gì về giải thưởng ấy của mình?

– Vâng, Dương Tường đã bị xếp vào họ “Ðạo” và phải có lời xin lỗi độc giả. Ðành rằng đã có lỗi thì viện lý do khách quan gì cũng là thừa, nhưng dù sao cũng xin có một lời: nếu có thì giờ tự mình sửa bản in và kịp xóa đi câu “chú thích trong sách đều của người dịch” trong lời tựa thay bằng “các chú thích trong bản này đều do người dịch tra cứu từ nhiều nguồn, trong đó một nguồn quan trọng là cuốn The annotated Lolita” như tôi thật sự đã có ý định thì đã không xảy ra tai nạn này. Còn về giải thưởng? Dù sao mặc lòng, tôi vẫn dám nói bản tiếng Việt Lolita là một bản dịch tâm huyết, có chất lượng mà không thẹn với lương tâm.

LAM ĐIỀN thực hiện

http://tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/557819/dich-gia-duong-tuong-xin-loi-doc-gia.html

 

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Lolita – bản dịch Dương Tường: Giải Dịch hay Dịch Giải?

Thu Hà

Chuyện bản dịch Lolita của Dương Tường được giải dịch thuật 2012 của hội nhà văn Hà Nội có lẽ là một câu trả lời của những người bạn ông Dương Tường cho các phê bình trên báo chí và nhiều diễn đàn trong và ngoài nước với bản dịch này. Người đứng đầu nhóm bỏ phiếu của bản dịch này, không ai khác, là ông Phạm Xuân Nguyên, một người bạn thân thiết của Dương Tường. Còn những dịch giả và văn sỹ khác tham gia trong nhóm, thì tất nhiên cũng mang sẵn tâm lý dĩ hòa vi quý, kính lão đắc thọ, và không muốn miếng cơm manh áo của mình bị ảnh hưởng. Dù sao thì Dương Tường, trước khi bị phê bình và nghi ngờ về trình độ Anh văn với Lolita, vẫn là một tên tuổi lớn trong làng dịch nước nhà.

Giờ đây thì cũng chẳng mấy ai còn ảo tưởng về các giải thưởng ở Việt Nam, nơi vốn trọng bằng cấp hơn trình độ. Tuy nhiên sự kiện này dù đã trôi qua vài ba tháng, vẫn để lại một số điều thật đáng băn khoăn. Dù nó chỉ là một giải nhỏ ít người quan tâm, nhưng ngoài chuyện bè cánh như đã nói ở trên, đằng sau nó còn là một dấu lặng buồn cho tư cách của những người vẫn được coi là làm việc với chữ nghĩa ở Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, phê bình Lolita bắt nguồn từ một bài báo của Tùy Phong trên Vietnamnet về một câu khó hiểu ngay dòng đầu tiên của Lolita (trên dòng kẻ bằng những dấu chấm); nhưng lỗi dịch của Lolita không dừng ở đó, mà sau này trên Tienve và trên một số tờ báo khác ở Việt Nam, thậm chí trên một số diễn đàn, người ta đã chỉ ra liên tiếp hàng chục lỗi trong những trang đầu của Lolita. Ngay dòng đầu tiên cũng có thêm ít nhất một lỗi hiển nhiên, mà có người đã chỉ ra trên Tienve trong bài viết “Bản dịch Lolita của Dương Tường – sai từ dòng đầu tiên sai đi”. Chất lượng bản dịch Lolita hiển nhiên là có vấn đề, và loạt bài phê bình của Linh Hương và nhiều người khác trên TienVe cũng đã chỉ ra nhiều lỗi ấu trĩ như thế. Nhưng trong các phát biểu của một số người trong thành phần ban giám khảo của giải thưởng này, đều cố tình mập mờ, nói rằng phê phán bản dịch Lolita chủ yếu chỉ dựa trên lỗi “Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm”, chứ ngoài ra Lolita chẳng còn lỗi nào khác. Thái độ bao biện, mập mờ, gian dối, bè cánh ấy thật đáng buồn, và nó thể hiện một điều rằng các vấn nạn của Việt Nam đã không còn là một khối u nhỏ tại một bộ phận nào đó nữa, mà nó đã di căn, lan ra toàn bộ xã hội, đến tận giới trí thức – những thành phần vốn được coi là ưu tú, là tinh hoa, là trong sạch nhất của xã hội. Đồng chí X, đáng buồn thay, đang tồn tại khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta.

Đôi khi sai sót không phải là vấn đề lớn, ai cũng có thể sai sót, và chẳng có trí thức nào dám nhận mình hoàn toàn không sai, nhưng cách anh đương đầu, giải quyết sai sót của mình như thế nào mới là chuyện quan trọng. Văn sỹ nào cũng sẽ chết, nhưng tác phẩm của họ là bằng chứng không thể chối cãi về năng lực của họ, những lỗi dịch ngớ ngẩn còn trên internet, trên hàng ngàn bản in, nó không phải những hòn sỏi, viên đá của một con đập thủy điện kém chất lượng, có thể dễ dàng trôi đi sau vài mùa mưa lũ. Người Việt trẻ không còn dốt ngoại ngữ như các thế hệ cha anh, và các bản “dịch loạn” đang và sẽ bị các thế hệ trẻ đưa về đúng giá trị thật của nó – là trong sọt rác. Nhưng họ – những người Việt trẻ của tương lai ấy – sẽ nghĩ thế nào về tư cách của một số người cầm bút tiền nhân? Niềm tin nào cho họ trong một thế giới dựa trên các giá trị giả dối?

http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=15758

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , , | Bình luận về bài viết này

Bản dịch Lolita của Dương Tường – sai từ dòng đầu tiên sai đi?

AN DI

Như đã biết, xung quanh cuốn Lolita bản dịch Dương Tường là một loạt cái tên dịch giả “lừng danh” tham gia hiệu đính biên tập như Trần Tiễn Cao Đăng, Phạm Anh Tuấn, Cao Việt Dũng, Đào Tuấn Ảnh. Nhân vật cuối cùng trong danh sách này còn kiểm tra cả bản tiếng Nga, vậy mà để ông Dương Tường dịch ngớ ngẩn ngay câu đầu tiên của chương 1. Bản tiếng Nga thế này:

Лолита, свет моей жизни, огонь моих чресел. Грех мой, душа моя. Ло-ли-та: кончик языка совершает путь в три шажка вниз по нёбу, чтобы на третьем толкнуться о зубы. Ло. Ли. Та.

на третьем толкнуться о зубы: bước thứ ba chạm vào răng

Bản tiếng Anh thế này:

Lolita, light of my life, fire of my loins. My sin, my soul. Lo-lee-ta: the tip of the tongue taking a trip of three steps down the palate to tap, at three, on the teeth. Lo. Lee. Ta.
at three, on the teeth: (bước) thứ ba, chạm vào răng

Ấy thế mà qua 4 người biên tập, vẫn để ông Dương Tường dịch loạn thành:

Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta.
Dịch sai ngay câu đầu tiên dòng đầu tiên như thế, liệu có nên coi là một thảm họa dịch thuật hay chưa nhỉ? Nhưng quá nhiều người đặt tên tuổi mình vào Lolita bản dịch Dương Tường rồi, cho nên, họ phải cố đến hơi thở cuối cùng, bám vào cái bình vôi này thôi! Thiết nghĩ nếu ông Dương Tường thực sự là một người có hiểu biết, thì chính ông nên tuyên bố thu hồi bản dịch của mình! Trách cho các đàn em của ông mất mặt, và là tấm gương cho lớp trẻ sau này soi vào!

http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=15247

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , | Bình luận về bài viết này

‘Lolita’ có thể lấy ý tưởng từ nhiều tác phẩm khác

Ảnh

Kiệt tác của Vladimir Nabokov được cho là lấy cốt truyện từ tác phẩm cùng tên của nhà văn người Đức Heinz Von Likhberg và ảnh hưởng từ nhiều tác giả khác về tình huống, cách xây dựng nhân vật.

Trong bài viết Tiếp cận vấn đề về cội nguồn tiểu thuyết Lolita (К вопросу о генезисе романа Лолита) của nhà nghiên cứu văn học người Nga Irina Lvovna Galinskaya được in trong cuốn Vladimir Nabokov: những cách đọc đương đại (Владимир Набоков: современные прочтения), tác giả đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về các giả thuyết xoay quanh nguồn gốc của tác phẩm gây tranh cãi nhất thế kỷ XX.

Theo Irina Galinskaya, trong văn học Đức giai đoạn đầu thế kỷ XX đã xuất hiện một truyện ngắn mang tên Lolita của nhà văn Heinz Von Likhberg. Tác phẩm được xuất bản năm 1916, gần 40 năm trước sự ra đời Lolita của Nabokov và nằm trong tập truyện ngắn Giocondo bị nguyền rủa. Thông tin về sự tồn tại của Lolita tiếng Đức được nhà nghiên cứu Mikhail Maar công bố trên tờ báo Tin tức Frankfurt vào tháng 3/2004. Sau đó, có rất nhiều nhà nghiên cứu cùng đưa vấn đề “Ai là người phát minh ra Lolita” ra bàn bạc. Và cũng nhờ thông tin này, lần đầu tiên Lolita của Likhberg được nhiều người tìm đọc và bỗng chốc trở nên nổi tiếng.

So sánh giữa hai tác phẩm, một số ý kiến tỏ ra hoài nghi về sự sáng tạo của Nabokov. Họ cho rằng sáng tác của Nabokov dựa trên cốt truyện và lấy lại tên nhân vật nữ chính của Heinz Von Likhberg. Tuy nhiên, Nabokov và cả con trai ông Dimitri đều phủ nhận mối quan hệ của bản thân nhà văn với Likhberg. Chính Nabokov cũng từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng tiếng Đức của ông không tốt, rằng ông không muốn học nói tiếng Đức thông thạo vì sợ “làm hoen ố thứ tiếng Nga quý giá” của mình. Nhưng rõ ràng, việc một người ham đọc và thông thái như Nabokov sống và làm việc ở Đức một thời gian dài như vậy (khoảng 17 năm, từ 1921 đến 1937) mà không đọc một tác phẩm nào bằng tiếng Đức thì quả thật là khó tin. Đó là chưa kể ông còn là một dịch giả (từng dịch thơ Goethe sang tiếng Nga) và nhiều người khẳng định Nabokov rất giỏi tiếng Đức. Ông thậm chí còn chơi trong một đội bóng đá của người Đức, đàm đạo với chủ nhà và giao lưu với những người bán hàng trong các cửa hàng.

Tác giả bài viết Irina Galinskaya dẫn ý kiến của các nhà “Nabokov học” như Vadim Stark, Nicolai Anastasiev, Andreas Braitenstein… cho biết, phần lớn họ đều nghi ngờ việc Nabokov chối bỏ việc ông thông thạo tiếng Đức và đều cho rằng rất có khả năng Nabokov đã đọc truyện ngắn Lolita của Likhberg. Nhưng điều quan trọng nhất là họ đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Igor Volgin về tài năng và tầm cỡ của Nabokov: “Có thể nào trách Shakespeare về việc ông đã sử dụng những chi tiết khá nổi tiếng của dân gian để sáng tạo nên kiệt tác Romeo và Juliet? Có thể nói rằng Lolita là một cốt truyện khá tầm thường. Vấn đề ở đây là nó được viết như thế nào. Và giả sử rằng Heinz Von Likhberg có sẵn tài năng, ông sẽ không có đối thủ là Nabokov.

Vấn đề cội nguồn của tác phẩm cũng được đưa ra bàn luận xuất phát từ chính lời thổ lộ của Nabokov trong Lời bạt ấn phẩm Lolita xuất bản năm 1958 tại Mỹ. Trong đó nhà văn chia sẻ, “nguyên mẫu” của Lolita là nhân vật trong truyện ngắn Pháp sư (Волшебник) của chính ông. Đây là truyện ngắn được viết trong tháng 10, 11 năm 1939 ở Paris. Trong “một trong những đêm của thời chiến, khi người dân Paris phải che bớt ánh đèn bằng mảnh giấy màu xanh”, nhà văn đọc tác phẩm cho một nhóm nhỏ bạn bè của mình nghe. Sau đó, như nhà văn thừa nhận, ông đã hủy bỏ tác phẩm khi qua Mỹ vào năm 1940. Nhưng một trong những bản đánh máy của truyện ngắn Pháp sư bằng cách nào đó vẫn còn được lưu giữ và năm 1991 nguyên bản tiếng Nga được in trong cuốn niên giám Văn học Nga – ba phần tư thế kỷ (trước đó tác phẩm đã được Dimitri Nabokov dịch qua tiếng Anh).

Truyện ngắn kể về một người đàn ông tên là Arthur lấy người mẹ ốm yếu của một cô bé chỉ vì say mê cô ta. Nhiều nhà nghiên cứu đưa ra lý do cho việc Nabokov nói rằng đã hủy bỏ tác phẩm này. Alexandr Pipersky chỉ ra điểm giống nhau trong tình tiết người đàn ông trưởng thành toan quyến rũ và cưỡng đoạt cô thiếu nữ trẻ tuổi trong tác phẩm của Nabokov và William Faulkner. Ông đưa ra một vài tình tiết xoay quanh cuộc sống của cô bé Julia trong bộ ba tác phẩm của W.Faulkner – Hamlet, Thị trấn, Biệt thự để chứng minh. Kết luận cuối cùng của nhà nghiên cứu là: lúc bấy giờ (thời điểm Nabokov sang Mỹ – năm 1940) W.Faulkner đã là một nhà văn tiếng tăm lừng lẫy, còn Nabokov chỉ là một người Nga lưu vong. Vì vậy, tuy hai tác phẩm được sáng tác ở hai bên bờ đại dương, nhưng Nabokov đã khôn ngoan chưa công bố truyện ngắn của mình. Tác phẩm chỉ được công bố sau khi Nabokov đã chết (1986 – lần đầu tiên với bản tiếng Anh do con trai nhà văn Dimitri Nabokov dịch).

Các nhà nghiên cứu các tác phẩm của Nabokov như Saimon Karlinsky, Boris Paramonov, Nicolai Anastasiev cũng chỉ ra mối liên hệ của Nabokov với nhà tâm lý học Havelock Ellis, đặc biệt trong việc sáng tạo tiểu thuyết Lolita. Trong Hãy nói đi ký ức, Nabokov có viết về những lời thú tội – được cho là ảnh hưởng từ những luận điểm của Havelock Ellis khi ông nói về các cô bé con có những ý đồ hư hỏng, sẵn sàng làm tất cả những hành vi được gọi là tội lỗi, thường xuyên và khắp mọi nơi. Nhà phê bình người Mỹ gốc Nga Saimon Karlinsky – người biên tập các thư từ trao đổi giữa Nabokov và Edmun Wilson còn khẳng định, Edmun Wilson đã gửi đến cho Nabokov những cuốn sách của Havelock Ellis. Nhà nghiên cứu minh chứng bằng tiểu sử của nhân vật Humbert. Humbert trong Lolita được Nabokov xây dựng theo hướng dẫn của Ellis trong cuốn giáo khoa Tâm lý học tình dục. H.Ellis nói đến hai kiểu người với hai vấn đề tâm lý: kẻ theo chủ nghĩa ấu dâm (say mê những cô gái nhỏ) hoặc người trí thức bị bệnh tâm lý. Rõ ràng là Nabokov đã xây dựng Humbert bằng cách kết hợp cả hai kiểu nhân vật này.


Nhà văn V. Nabokov.

Về thủ pháp kể chuyện, những nhà nghiên cứu như Alfred Appel hay nhà văn Alain-Robbe-Grillet đều khẳng định nét tương đồng của Nabokov với James Joyce (tác phẩm Chân dung người họa sĩ thời thanh xuân) và D.Selindzher (tác phẩm Dành tặng Esme), đặc biệt trong cách xây dựng nhân vật song đôi vô hình. Kỹ thuật này không phải do ba nhà văn trên xây dựng nên mà đã xuất hiện trong bản ballad tiếng Anh cổ Anh hùng Turpin. Alfred Appel – người từng được Nabokov dạy tại Đại học tổng hợp Cornell – cho biết, Nabokov đã rất khó chịu khi được hỏi về điểm tương đồng này và khẳng định đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Sự thật là, trong Lolita có nhại lại một cách mỉa mai nhan đề tác phẩm của J.Joyce: Humbert nói về bức chân dung của một người họa sĩ như nói về một kẻ đê tiện trong thời thanh xuân của mình (trong Lolita tiếng Nga là: Bức chân dung của một kẻ ác ôn không ai biết đến (Портрет Неизвестного Изверга).

Lolita là một tác phẩm quá khó để có thể đọc và hiểu một cách thấu đáo. Nói về sự sáng tạo của Nabokov và sự tiếp tục những tranh cãi trái chiều về tiểu thuyết của ông ,nhà nghiên cứu văn học người Pháp Ren Gerr viết: “Những người đọc Nabokov nhất định phải có trình độ hiểu biết, kiến thức sâu rộng về văn học Nga, nói theo cách khác, anh ta không thể ngay lập tức khám phá được những ám chỉ được che giấu trong tác phẩm”. Carl Proffer (nhà nghiên cứu người Mỹ) trong cuốn sách Những chiếc chìa khóa để đến với Lolita cũng cảnh báo: “Ai muốn nắm được việc đọc một tác giả – kẻ ‘ác dâm’ như Nabokov, cần phải có trong tay một cuốn bách khoa thư, một cuốn từ điển và sổ tay ghi chép, nếu muốn hiểu được thậm chí chỉ một nửa những lời văn trong đó”.

Đỗ Thị Hường

(Trích dịch từ bài viết Tiếp cận vấn đề về cội nguồn tiểu thuyết Lolita (К вопросу о генезисе романа Лолита) được in trong cuốn Vladimir Nabokov: những cách đọc đương đại (Владимир Набоков: современные прочтения).

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Bố em chết vì ung thư tử cung!?

(TT&VH Cuối tuần) – Trong lúc ở Công viên Lê Văn Tám đang diễn ra Hội sách TP.HCM lần thứ 7 với hàng loạt kỷ lục vàng: 850.000 lượt người tới hội chợ, đã tiêu thụ khoảng 1,2 triệu cuốn sách, trong đó có những cuốn tiêu thụ tới 10.000 bản chỉ trong mấy ngày hội chợ, thì trên một trang web văn chương, người ta phát hiện ra cuốn sách dịch mắc một kỷ lục đen: tới 3.000 lỗi, và đó lại là tác phẩm được xuất bản với sự hỗ trợ của Trung tâm sách quốc gia thuộc Bộ Văn hóa Pháp!

Bất ngờ đến không thể ngờ

“Dịch loạn” vốn là chuyện không mới trong làng xuất bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, với Bản đồ và vùng đất của tác giả Michel Houellebecq, cuốn sách lập “kỷ lục” về “dịch loạn” nói trên, thì quả là một sự bất ngờ đến không thể ngờ với nhiều bạn đọc đã biết đến, đã yêu thích, thậm chí là fan của đơn vị xuất bản – Công ty văn hóa Nhã Nam và NXB Văn học, nơi đã cho ra thị trường rất nhiều đầu sách văn học có giá trị. Bất ngờ hơn nữa, một “kho lỗi” trong dịch thuật như vậy, lại nhờ một trang web văn chương tại hải ngoại phát hiện, được liệt kê, đối chiếu và so sánh giữa bản dịch với bản gốc chi li trong 5 bài viết, chứ không phải từ một cây bút phê bình văn học trong nước. Mà thật ra, nếu chỉ là một bạn đọc bình thường, không biết Pháp ngữ (ngôn ngữ gốc của tác phẩm) và cũng không có tác phẩm gốc trong tay, cũng có thể đặt nhiều dấu hỏi nghi ngờ ngay từ bản tiếng Việt của tác phẩm này, vì bản dịch đầy sự lộn xộn, lủng củng trong cách hành văn. Ngay từ những dòng chữ đầu tiên, Lời cảm ơn của Houellebecq, được dịch đầy “đánh đố” như thế này: “Thường thì tôi không có ai để cảm ơn, vì tôi ít khi đi tìm tài liệu, thậm chí là rất ít khi, mặc dù người ta cứ hay so sánh tôi với một tác giả người Mỹ. Nhưng lần này, tôi rất ấn tượng và rối trí trước ngành cảnh sát, và thấy có lẽ cần thu thập thông tin nhiều hơn”. Những kiểu diễn đạt rối rắm, rời rạc nhiều khi chẳng liên quan gì tới nhau ngay trong một câu hoặc một đoạn văn như thế xuất hiện không ít lần. Thế thì tại sao một bản dịch có vấn đề như vậy lại có thể vượt qua các vòng kiểm định chặt chẽ trong khâu xuất bản trước khi được tung ra thị trường, bán đến tay bạn đọc như một sản phẩm hoàn hảo?

Chủ tịch Công ty văn hóa Nhã Nam, người chịu trách nhiệm về bản dịch Bản đồ và vùng đất cho rằng chính mình cũng bất ngờ. “Nhã Nam chưa bao giờ gặp phải tình huống thế này” và “chính các biên tập viên cũng không ngờ vì đội ngũ biên tập của Nhã Nam chuyên về dịch, làm việc khá kỹ và đều là dịch giả”. Tuy vậy, trên bản in tiếng Việt cuốn Bản đồ và vùng đất chỉ có tên biên tập viên của NXB Văn học là Trịnh Thị Diệu mà không có sự tham gia của biên tập viên của Nhã Nam (ngoài tên người sửa bản in). Như vậy, khâu biên tập Bản đồ và vùng đất đã bị Nhã Nam bỏ qua?

Sau Hạt cơ bản đến Bản đồ và vùng đất, đều của nhà văn Pháp Michel Houellebecq, bị cho là mắc nhiều lỗi dịch thuật.

Hay chuyện chả có gì bất ngờ?

Thật ra thì từ lâu trên mạng xã hội người ta đã truyền tụng tài năng ngôn ngữ của người dịch tác phẩm “kỷ lục lỗi” nói trên, ở một tác phẩm khác, Hạt cơ bản, cũng của tác giả Michel Houellebecq, bằng một dẫn chứng “bất hủ”: “Bố em chết cách đây một tuần”, nàng nói, “Ung thư tử cung” (bố nàng cũng có tử cung như đàn bà?). Trên trang web văn chương hải ngoại nói trên, nhiều bài viết cũng đã mổ xẻ những lỗi dịch trong nhiều tác phẩm khác, của nhiều dịch giả khác cũng do Công ty văn hóa Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành. Những phát hiện từ bạn đọc như vậy dường như đã bị đơn vị xuất bản – nói cách khác, chính là nhà sản xuất của những sản phẩm văn hóa đọc này – bỏ ngoài tai, không buồn quan tâm. Bởi những ai quan tâm tới chuyện này đều không bất ngờ với “tai nạn” Bản đồ và vùng đất giống như Giám đốc Công ty văn hóa Nhã Nam và nếu là nhà xuất bản quan tâm tới chuyện này thì công tác biên tập đã không bị bỏ qua dễ dàng như thế. Và nếu thực sự coi trọng độc giả và sự phản hồi của họ, thì đơn vị này và NXB Văn học đã không thể lừng khừng và thậm chí bất nhất trong việc vào cuộc “giải quyết khủng hoảng” như những gì diễn ra trong thời gian vừa qua.

Ngày 27/2, bài viết đầu tiên chỉ ra những lỗi sai ngớ ngẩn trong cuốn Bản đồ và vùng đất được đăng tải. Chiều ngày 15/3, trả lời phỏng vấn của phóng viên TT&VH Cuối tuần về quan điểm cũng như hướng xử lý của công ty đối với tác phẩm này, ông Nhật Anh, Chủ tịch Công ty Nhã Nam, cho rằng:

“Việc thẩm định cuốn sách này không đơn giản và đơn vị xuất bản cần thêm thời gian để đưa ra kết luận trên cơ sở xem xét lại cuốn sách”. Trong khi đó, website của Nhã Nam đăng thông báo ký tên ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc, cho hay: Đơn vị liên kết xuất bản quyết định tạm dừng việc phát hành cuốn sách kể từ ngày 15/3/2012 để tiến hành kiểm định toàn bộ bản dịch. Tuy vậy, thông báo này sau đó đã không còn tồn tại trên website. Còn theo Báo Tuổi Trẻ thì thông báo này được phát ra trong thời gian diễn ra Hội sách TP.HCM 2012, từ ngày 19/3 đến ngày 25/3. Nhưng phía NXB Văn học, bà Nguyễn Bích Hảo, người chịu trách nhiệm xuất bản, cùng thời điểm này vẫn trả lời TT&VH Cuối tuần, Bản đồ và vùng đất còn chưa nộp lưu chiểu và chưa phát hành, nếu sách đang có bán trên thị trường thì chỉ là… sách lậu (!).

Anh Tạch của ngành xuất bản

Câu chuyện ông Hà Thúc Lang (người phát hiện 3.000 lỗi dịch cuốn Bản đồ và vùng đất), Công ty Nhã Nam, NXB Văn học và “thảm họa dịch thuật của năm 2012” khiến người ta không khỏi liên tưởng tới anh kỹ sư Tạch, người đã tố Công ty ô tô Toyota che giấu lỗi kỹ thuật một số xe bán ra thị trường. Chuyện xe có lỗi trong quá trình sản xuất cũng là thường, nước Mỹ thường xuyên có thông tin nhà sản xuất triệu hồi xe để kiểm tra, thay thế… do phát hiện lỗi (mà lỗi này chủ yếu do người tiêu dùng phát hiện trong quá trình sử dụng). Có điều, khi bị tố, các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài phải lập tức vào cuộc, ra thông báo triệu hồi xe có lỗi, đồng thời xin lỗi, thậm chí bồi thường cho người tiêu dùng. Ở ta, văn hóa “xử lý khủng hoảng” đầu tiên là chối bay chối biến, không thừa nhận, hoặc lờ đi tới chừng nào còn có thể lờ được. Một chiếc xe có lỗi đưa ra sử dụng nó có thể làm mất an toàn cho người sử dụng. Một cuốn sách bị dịch làm biến dạng, nó cũng mất an toàn về tri thức, văn hóa cho người đọc.

Đáng buồn thay, nạn dịch loạn từ lâu đã được báo động, vậy mà bố em vẫn cứ phải chết vì ung thư tử cung!

Danh Anh – Hàn Vi

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Tác phẩm Lolita tiếng Việt- nỗi buồn dịch thuật

“Lolita” là tác phẩm có số phận không dễ dàng. Và dù đã trở thành một tác phẩm có giá trị kinh điển nhưng Lolita cũng gây ra nhiều sự tranh cãi nhất của văn chương thế kỷ 20.

Sở dĩ vậy vì Lolita đề cập đến mối quan hệ bao gồm cả sex của nhân vật chính Humbert Humbert, một người khá nhiều tuổi với một cô gái 12 tuổi tên là Dolores Haze (Lolita).

“Lolita” từng bị cấm ở nhiều quốc gia khác nhau. Và chính bởi những tranh cãi triền miên trên văn đàn thế giới xung quanh tác phẩm này nên khi bản dịch “Lolita” tiếng Việt được ấn hành, cuốn sách đã được “cẩn thận” đi kèm một chiến dịch PR, quảng cáo khá rầm rộ của nhà sách phát hành là công ty Nhã Nam.

Tuy thế, Lolita cũng không gặp nhiều may mắn ở Việt Nam. Dù chiến dịch PR đã mang đến nhiều bài viết bênh vực… thì những xầm xì về các lỗi dịch, về lỗi hiểu sai tiếng Anh, về văn phong, ngữ pháp tiếng Việt trong bản dịch “Lolita” càng ngày càng bị phát hiện ra nhiều hơn trên các diễn đàn đã buộc các chuyên gia ngôn ngữ vào cuộc. Ngay sau khi bản dịch tiếng Việt đến với công chúng, nó lập tức nhận được các phản ứng đa chiều từ phía nhiều chuyên gia văn học – dịch thuật và cả của độc giả.

Những sai phạm “ấu trĩ”

Rất nhiều lỗi dịch của “Lolita” đã được liệt kê, và thật đáng tiếc, có đến hàng chục lỗi nghiêm trọng nằm ngay trong lời nói đầu của bản dịch. Có những lỗi khá buồn cười, thậm trí ấu trĩ như đoạn thiếu thủ đô Washington hay tự nhiên lại thừa ra một người anh họ ngay trong đoạn văn đầu tiên của lời nói đầu [Thực ra người anh họ lỗi lạc này chính là ông luật sư Clark, cách dịch thành “anh họ” chưa chuẩn xác cộng thêm văn phong tiếng Việt lủng củng đã khiến độc giả không hiểu – chú giải của tác giả]

Lỗi dịch này còn lặp lại một lần nữa tại chương 10, cũng do dịch giả hiểu sai về nghĩa của từ “cousin” nên đã khiến tiểu thuyết lại thừa thêm ra một người bà con nữa của McCoo. Chưa hết vì sự “lơ đãng” của dịch giả, nên nhiều câu văn thiếu đi sự nhất quán, làm cho bối cảnh bị rối rắm, khó hiểu.

Ngay ở dòng đầu tiên, chương đầu tiên cũng đã có nhiều lỗi sai dù nó chỉ có vỏn vẹn 169 chữ tiếng Anh. Nhưng đây là chương được các nhà phê bình nghiên cứu văn học và ngôn ngữ đánh giá là rất xuất sắc, thậm chí là xuất sắc nhất cuốn sách. Đó cũng là chương ngắn nhất trong 36 chương của cuốn sách. Tuy nhiên, cách hiểu của dịch giả chưa tới, hoặc có thể do quá cẩu thả của khâu biên dịch khiến những nét tinh tế của ngôn ngữ nguyên bản đã mất đi

Sách hay, dở nhờ tâm người biên dịch

Dịch thuật ở Việt Nam hiện nay là công việc khó khăn, thu nhập thấp, chỉ khoảng 100-200 đồng/ chữ. Mức thù lao vậy thì quả thật không còn nhiều người có thể theo đuổi nghề này như một cách để kiếm sống lâu dài, nếu họ không vì một mục tiêu khác hoặc không có một hậu phương vững chắc từ gia đình để tự do theo đuổi đam mê. Cũng có nảy sinh một thực tế là nhiều dịch giả đã chỉ đứng tên (cho mượn danh xưng) còn lại thuê sinh viên dịch theo từng chương cho nhanh, rồi về lắp ghép lại.

Trong khi đó các em sinh viên chưa có nhiều vốn sống, phông văn hóa chưa đủ để thẩm thấu tác phẩm nên nhiều em sẽ chỉ dùng cách tra từ điển để hiểu nghĩa đen của từ. Nhưng ý nghĩa bóng hoặc những ngữ cảnh môi trường mà nhà văn đặt hàm ý vào thì không có từ điển nào trợ giúp được.

Và vấn đề là khi ghép các phần dịch đó lại thì người đứng tên hoặc nhà xuất bản đã không đọc lại nghiêm túc, không có trách nhiệm trong việc biên tập để có được một “bản dịch đẹp” ít nhất về ngữ rồi nâng lên nghĩa. Thế nên mới có những thảm họa dịch thuật ra đời mà một số không ít mang tên dịch giả nổi tiếng hoặc nhà sách uy tín.

Trong thời đại của máy tính và mạng Internet, của google và facebook ngày nay, thì khả năng đọc hiểu tiếng Anh nói riêng, và ngoại ngữ nói chung, không còn là độc quyền của một nhóm người nào nữa. Rất nhiều độc giả ngày nay am tường không chỉ tiếng Anh, mà còn cả văn hóa Mỹ, châu Âu, quê hương của các tác giả.

Vì thế các bản dịch dở, dịch sai, dịch loạn, sớm hay muộn cũng bị lôi ra ánh sáng, và điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các dịch giả Việt Nam, nếu họ kịp thay đổi tâm thế để phù hợp hơn với những bước tiến của xã hội./.

An Di (Vietnam+)

 

Đăng tải tại Uncategorized | Bình luận về bài viết này

Dịch loạn: lỗi từ Lolita lỗi đi

Nhiều đoạn văn ngây ngô vì dịch giả dường như chỉ cố gắng đoán, chứ không phải là dịch. Thậm chí có những đoạn dịch loạn đã trở thành “tượng đài” về sự “vô tri”, ví dụ: “Bố em chết cách đây một tuần”, nàng nói. “Ung thư tử cung” (bản dịch cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, dịch giả Cao Việt Dũng).

Tình trạng dịch loạn ở VN đang lan rộng, nhiều tác phẩm gây chú ý và được các giải thưởng danh giá ở nước ngoài, như Mật mã Da Vinci của tác giả Dan Brown (dịch giả Đỗ Thu Hà), Hạt Cơ Bản, Bản đồ và vùng đất của Michel Houellebecq, Vô Tri của Milan Kundera, nhưng khi chuyển ngữ qua tiếng Việt đã gây ra các cuộc tranh luận gay gắt trên nhiều diễn đàn, với rất nhiều lỗi và cách hành văn tệ hại.

“Thảm họa dịch thuật” Mật mã Da Vinci năm 2005 đã khiến đơn vị xuất bản phải thu hồi và tổ chức hiệu đính, tái bản.

Nhiều đoạn văn ngây ngô vì dịch giả dường như chỉ cố gắng đoán, chứ không phải là dịch. Thậm chí có những đoạn dịch loạn đã trở thành “tượng đài” về sự “vô tri”, ví dụ: “Bố em chết cách đây một tuần”, nàng nói. “Ung thư tử cung” (bản dịch cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, dịch giả Cao Việt Dũng).

Cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn

Dịch giả trẻ thế hệ 8x có thể còn quá non trẻ và chưa đủ vốn sống để dịch hay, nhưng những dịch giả nhiều năm trong nghề dù dịch rất tốt cả cuốn sách cũng chưa hẳn đã tránh được lỗi. Ngay trong những dòng đầu tiên của Lolita – cuốn sách đang được tung hô ầm ĩ nhất hiện nay, cũng đã thấy câu văn tối nghĩa và khó hiểu: “Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.” Không hiểu một người Việt bình thường có hiểu nổi “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” là cái gì hay không? Giáo sư Cao Xuân Hạo có viết rằng: “dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn”. Thiết nghĩ đoạn dịch khó hiểu trên đây là một ví dụ rất thú vị cho nhận định của ông.

Dịch thuật là công việc cần những tài năng thực sự, vì một dịch giả tốt ngoài khả năng ngoại ngữ xuất sắc, còn phải hiểu rõ văn hóa của quê hương tác giả, có đủ vốn sống và đủ trải nghiệm để hiểu tác phẩm, có lương tâm để trung thực với công việc, và trước hết họ phải có khả năng viết tiếng Việt hoàn hảo. Đọc các tác phẩm của Nam Cao, Nguyễn Du, đọc các bản dịch Tư Bản (Karl Marx), Trăm Năm Cô Đơn, Sông đông êm đềm, Chiến tranh và Hòa bình, sẽ thấy ngôn ngữ của chúng ta đủ sức mạnh và tinh tế để truyền tải những tư tưởng lớn, những cảm xúc tinh tế nhất. Chúng ta không cần thứ tiếng Việt lai căng, khô cứng và nhảm nhí mà nhiều “dịch giả” đang lạm dụng để che dấu sự bất tài và thiếu trách nhiệm trong công việc của mình.

Ảnh
Cuốn tiểu thuyết Lolita được nhiều bạn đọc từng tiếp cận với bản gốc phát hiện ra có lỗi dịch thuật

Bao giờ mới hết những chữ vô hồn?

Sau “thảm họa dịch thuật” Mật mã Da Vinci năm 2005, cũng có một số dịch giả lên tiếng gay gắt yêu cầu chấm dứt tình trạng dịch loạn. Thậm chí dịch giả Đoàn Tử Huyến còn lên tiếng yêu cầu “Cần phải làm sao để dư luận xã hội – mà trước hết là báo chí, rồi các cơ quan ngôn luận chuyên ngành văn nghệ, các cá nhân và tổ chức học thuật có thẩm quyền và uy tín – đủ sức bắt những kẻ muốn hoặc có thể làm ra những sản phẩm khuyết tật phải xấu hổ (chắc là họ vẫn còn có năng lực xấu hổ?) và phải trả giá – cả tinh thần lẫn vật chất.” Những đề nghị của ông hoàn toàn hợp tình hợp lý, nhưng thực tế thu nhập từ dịch thuật hiện nay có thể nói là khá khiêm tốn, chỉ vào khoảng 150 đồng cho một chữ, và nếu yêu cầu những dịch giả làm ẩu phải trả giá cho những sản phẩm khuyết tật của họ, thì chắc sẽ không còn nhiều người có tâm huyết dám làm công việc này nữa.

Không thể giải quyết tình trạng dịch loạn trong một sớm một chiều, và dù thù lao cho dịch thuật có thấp đến đâu, cũng sẽ vẫn còn những người đi kiếm danh bằng công việc này. Chính vì cần danh, nên họ luôn chọn các tác phẩm đang được chú ý nhất, của những tác giả nổi tiếng nhất. Núp dưới cái bóng quá lớn của các tác giả này, họ có thể nhanh chóng dành được sự quan tâm của công chúng, bất kể việc chuyển ngữ có tệ hại đến thế nào.

Và cũng vì quá cần danh, nên tác giả của các bản dịch loạn luôn giữ thái độ lảng tránh khi có ý kiến phản hồi về các lỗi, thậm chí ngay cả khi các lỗi đó rõ ràng đến mức không còn lý do gì để biện hộ. Có lẽ họ hy vọng thời gian sẽ làm mọi chuyện đi dần vào quên lãng, chứ nhất quyết không xin lỗi các độc giả đã bỏ tiền mua sách, và cảm ơn những người đã chỉ ra chọ họ thấy sai lầm của mình. Tắt điện thoại, không trả lời email, bỏ hoang trang web cá nhân trước đây được cập nhật liên tục…là phản ứng thường thấy của dịch giả sau khi bị bóc mẽ.

Người đọc không quan tâm đến những cuộc tranh cãi không có hồi kết giữa những dịch giả với nhau về cách dịch, về cách dùng từ, về những khái niệm cao siêu như “hệ hình tư duy phù hợp” với “tầm văn hoá” của người đọc, họ cần được trả lại Milan Kundera, Michel Houellebecq, Dan Brown,… như những gì họ hằng mong đợi, chứ không phải những đống chữ dịch vô hồn, lộn xộn, tối nghĩa như được làm bằng máy hiện nay.

Nhà nước có thể bỏ hàng chục tỷ để sản xuất những bộ phim không mấy người biết đến, tại sao không thể đầu tư vào việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ dịch giả, mua bản quyền các tác phẩm lớn, dành các quỹ đặc biệt tài trợ cho việc dịch một số tác phẩm quan trọng, trao giải thưởng cho các bản dịch tốt, và chế tài cho các nhà xuất bản, các dịch giả làm ẩu, làm bậy?

Những bản dịch phản cảm đã làm ảnh hưởng đến hàng triệu người đọc VN, xúc phạm tác giả, coi thường tiếng Việt, và như dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nhận định về bản dịch cuốn Mật mã Da Vinci của dịch giả Đỗ Thu Hà, NXB Văn hóa Thông tin 2005: “Những bản dịch như vậy phải bị ngăn chặn và loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống văn học. Và, cùng với nó, cung cách của một số kẻ làm sách – quấy quá, chụp giật, chỉ biết có doanh thu, bất chấp công luận, bất chấp danh dự, cung cách đó phải bị loại trừ khỏi đời sống văn học.” Lời nhận định ấy đến bây giờ vẫn hoàn toàn chính xác!

Lỗi ngay dòng đầu của Lolita

“Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.” là một đoạn văn ngắn, ngay trang đầu tiên của cuốn Lolita. Tuy ngắn nhưng nó được trích dẫn trong rất nhiều các bản giới thiệu cuốn sách này, trên nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhiều độc giả không hiểu ý nghĩa của cụm từ “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores” có ý nghĩa gì. Thực ra trong nguyên bản tiếng Anh, cụm từ này là: “She was Dolores on the dotted line”. Trong tiếng Anh, “sign on the dotted line” là một câu văn rất hay dùng, ngụ ý ký vào một văn bản chính thức nào đó. Trong bản tiếng Nga do chính tác giả dịch, cụm từ này là: “Она была Долорес на пунктире бланков “, có thể do người Nga cũng không thể hiểu “dòng kẻ bằng những dấu chấm” là gì, nên tác giả ghi rõ là dòng kẻ trên các văn bản, giấy tờ. Trong các văn bản, giấy tờ mà người ta hay phải khai báo, thường có những ô bắt buộc phải điền thông tin cá nhân, như tên tuổi, quê quán, năm sinh,… Các ô đó được thiết kế những dùng kẻ từ những dấu chấm để người ta viết cho dễ.

Trong văn hóa Việt Nam, cụm từ “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” rất tối nghĩa. Tuy nhiên nếu xem lại bản tiếng Anh hoặc tiếng Nga, thì lại rất dễ hiểu. Chuyển ngữ là công việc khó khăn, và cách mà dịch giả đã làm, thực ra là dịch gần như nguyên xi theo nghĩa đen của từng chữ trong bản tiếng Anh (còn bản tiếng Nga thì lại không phải như vậy). Có thể có cách dịch hay hơn không? Đó là câu hỏi dành cho các dịch giả, không phải dành cho độc giả. Với người đọc bình thường, liệu có ai hiểu nổi Dolores làm gì, tại sao, và ở đâu trên dòng kẻ bẳng những dấu chấm hay không?

Tùy Phong

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , | Bình luận về bài viết này